Tọa đàm “Nhận diện và giải pháp ngăn chặn buôn lậu, hàng giả, hàng nhái và gian lận thương mại”

Ngày 28/7, Tạp chí Công Thương phối hợp với Tổng Cục Quản lý thị trường, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số và Công ty URC Việt Nam tổ chức buổi tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Nhận diện và giải pháp ngăn chặn buôn lậu, hàng giả, hàng nhái và gian lận thương mại”.

Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ đã giúp cho các phương thức kinh doanh dựa trên môi trường mạng được thúc đẩy nhanh chóng và mang lại nhiều lợi ích cho cả người dân và doanh nghiệp. Tuy vậy, bên cạnh những mặt tích cực, Internet và TMĐT cũng có những mặt trái và đang đặt ra nhiều vấn đề cần phải giải quyết, đặc biệt về tình trạng vi phạm pháp luật trên website/ứng dụng thương mại điện tử, các sàn giao dịch TMĐT và các mạng xã hội. Hàng giả, vi phạm SHTT không chỉ được sản xuất trong nước mà còn được đặt sản xuất ở nước ngoài, sau đó đưa vào trong nước tiêu thụ bằng nhiều đường khác nhau trong đó có bán trên các trang mạng. Mặc dù cơ quan chức năng đã xử lý nhiều vụ việc lớn, số hàng hóa bị tạm giữ và xử lý nhiều tuy nhiên vấn nạn trên vẫn diễn biến phức tạp. 

Chia sẻ tại buổi tọa đàm, ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) đánh giá tình hình thực trạng buôn lậu, hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại diễn biến khó lường, thủ đoạn vi phạm của các đối tượng ngày càng tinh vi. Lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra, xử lý nhiều vụ việc vi phạm có quy mô lớn tại các địa phương, bắt giữ nhiều kho chứa lượng lớn hàng hóa vi phạm, với các chủng loại vô cùng đa dạng.


(Ông Trần Hữu Linh - Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường)

Thứ nhất, trong giai đoạn năm 2018, 2019 và đầu năm 2020, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, đặc biệt là hàng nhái hàng giả rất là nhức nhối. Tuy nhiên, sau đó tình hình có phần giảm đi. Bởi vì các lực lượng có nhiệm vụ chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả thời điểm đó hoạt động rất tích cực. Giai đoạn cuối năm 2020 và năm 2021 - năm mà dịch Covid-19 bùng phát thì tình trạng hàng lậu giảm đi rất nhiều. Thời điểm đó, cả nước tập trung chống hàng giả, hàng nhái là những thiết bị, vật tư y tế phòng chống dịch. Song, bắt đầu từ đầu năm 2022, khi dịch Covid-19 bắt đầu giảm đi thì tốc độ cũng như quy mô và đặc biệt là tính phức tạp của hàng giả ngày càng tăng. Đáng chú ý, hàng giả xảy ra ở ngày càng nhiều mặt hàng khác nhau, nếu như trước đây chỉ tập trung ở mỹ phẩm, đồ gia dụng... thì hiện nay đã xuất hiện ở cả xăng dầu, vật tư nông nghiệp, phân bón… “Trong 6 tháng đầu năm, lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra và phát hiện rất nhiều vụ việc sản xuất phân bón giả ngay ở trong thị trường nội địa. Nhiều vụ việc vi phạm rất nghiêm trọng, thậm chí trộn cả đất, xỉ vào để làm phân bón bán ra ngoài thị trường. Hoặc gần nhất, Tổng cục  quản lý thị trường phối hợp với Cơ quan Công an chỉ đạo Cục Quản lý thị trường tỉnh Bắc Ninh kiểm tra, bắt giữ 20 tấn nước hoa của các thương hiệu nổi tiếng có dấu hiệu giả mạo" – ông Trần Hữu Linh nói.

Thứ hai, môi trường để hàng giả đưa vào lưu thông càng ngày càng trở nên dễ dàng. Ví dụ như kinh doanh công khai trên các mô hình kinh doanh online, sàn giao dịch thương mại điện tử, khiến lực lượng chức năng rất khó đối phó.

Thứ ba, trong sáu tháng đầu năm cho đến thời điểm này, biên giới với Trung Quốc vẫn đang cấm biên, hàng hóa không đi qua được những kênh truyền thống như là đường mòn, lối mở mà buộc phải đi chính ngạch. Chính vì đi chính ngạch nên những đối tượng làm hàng giả sẽ phải tìm cách để luồn lách qua kênh chính ngạch. Cho nên việc sản xuất rồi thẩm lậu hàng giả vào trong thị trường nội địa rất phức tạp, ngay trong nội địa vẫn có những đối tượng ở các làng nghề tiếp tục sản xuất hàng giả, tập trung chủ yếu vào đồ thực phẩm. Ví dụ như cách đây một tháng, lực lượng quản lý thị trường phát hiện một cơ sở sản xuất mật ong giả ngay trong một hộ gia đình và chỉ bán trên facebook. Đấy là những thứ rất nguy hiểm đến sức khỏe của người dân.

Chia sẻ về những khó khăn, thách thức đặt ra đối với lĩnh vực thương mại điện tử, Ông Nguyễn Hữu Tuấn - Trưởng phòng Quản lý hoạt động thương mại điện tử, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương cho biết, những doanh nghiệp làm ăn chân chính, họ rất bức xúc trong tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong thời gian qua.Hiện nay còn có tình trạng các đối tượng đăng thông tin hoặc livestream bán hàng ở một nơi nhưng kho ở một nơi hoặc thậm chí bán hàng qua các trung gian để kiếm lời hoặc chia kho ra ở rất nhiều các tỉnh, thành phố khác nhau. Do vậy cơ quan chức năng khi đi kiểm tra, xử lý vi phạm hết sức khó khăn. Đặc biệt đối với hàng cấm thì các đối tượng không bán một sản phẩm mà chia nhỏ sản phẩm ra để bán thành các bộ phận rồi cũng bằng cách thỏa thuận với nhau trên các nhóm kín, sau đó đưa bán trên các sàn để lợi dụng dịch vụ vận chuyển của sàn về giao hàng. Sau đó chúng lại xóa sản phẩm ấy đi rồi thu thập thông tin người dùng trái phép để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Những xu hướng lợi dụng đặc thù của thương mại điện tử cũng có xu hướng gia tăng.

Ông Nguyễn Hữu Tuấn - Trưởng phòng Quản lý hoạt động thương mại điện tử, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương).

Bày tỏ lo sợ về vấn nạn hàng nhái, hàng giả, ông Phạm Quốc Lộc - Thành viên Ban lãnh đạo Công ty TNHH URC Việt Nam, Giám đốc Nhà máy URC Hà Nội cho hay, hàng nhái, hàng giả khiến khách hàng bị ảnh hưởng và thiệt hại về kinh tế, mấy niềm tin vào sản phẩm. Trong khi đó, doanh nghiệp cũng bị ảnh hưởng bởi nó làm lệch lạc thương hiệu và giảm uy tín của doanh nghiệp.

Chung tay chống hàng nhái hàng giả

Thời gian vừa qua, hoạt động chống hàng nhái, hàng giả đã được tập trung vào các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức ở các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng. Bên cạnh đó là dần tăng nặng chế tài xử phạt. Tuy nhiên, có một đối tượng rất quan trọng khác là các cái doanh nghiệp chủ sở hữu các nhãn hiệu hàng hóa và những đối tượng sản xuất kinh doanh hàng giả.

“Do vậy, đối với những đối tượng này chúng tôi nghĩ rằng cần phải tuyên truyền, nhất là đối với các doanh nghiệp làm ăn chân chính mà có những sản phẩm bị làm giả. Trong thời gian vừa rồi, rất nhiều những thương hiệu nổi tiếng của Việt Nam đều có đơn đề nghị chúng tôi xử lý những vấn đề liên quan đến xâm phạm quyền sở trí tuệ như hãng sữa TH True Milk hay một số thương hiệu rượu ở trong nước” – ông Trần Hữu Linh nói.

Các chuyên gia cũng nhận định rằng chống hàng nhái hàng giả là một mặt trận mà đòi hỏi về phía doanh nghiệp cần phải có nhận thức rất sâu sắc. Bên cạnh đó, các hiệp hội cũng phải có trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến để cho doanh nghiệp ý thức được và tự bảo vệ thương hiệu của mình.

Ông Nguyễn Đăng Sinh - Chủ tịch Hiệp hội chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam (VATAP) chia sẻ thêm, thời gian tới, Hiệp hội sẽ tập trung hơn nữa vào việc giúp các doanh nghiệp xây dựng thương hiệu. Vừa rồi, Hiệp hội đã được Bộ Nội vụ cho phép thành lập thêm Viện xây dựng thương hiệu để giúp các doanh nghiệp để đầu tiên là phải xây dựng được thương hiệu của mình để có một căn cứ về pháp lý sau này.

Bên cạnh đó, Hiệp hội đã có nhiều ý kiến với các doanh nghiệp rằng một khi đã có cung cấp thông tin thì phải có trách nhiệm phối hợp với lực lượng chức năng để giải quyết tình trạng hàng nhái hàng giả.