Tập huấn trực tuyến về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong hoạt động thương mại điện tử

Ngày 12/11, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đã tổ chức Hội nghị tập huấn trực tuyến toàn quốc về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong hoạt động thương mại điện tử cho các ban chỉ đạo 389 các tỉnh thành phố trong cả nước. Hội nghị được tổ chức với sự chia sẻ của các cán bộ có kinh nghiệm của các bộ, ngành liên quan như Bộ Công thương, Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan…

Mục đích của hội nghị nhằm tuyên truyền phổ biến và giới thiệu thực trạng phát triển thương mại điện tử, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả và nhận diện phương thức, thủ đoạn và một số giải pháp chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong hoạt động thương mại điện tử… 

Phát biểu khai mạc hội nghị, Chánh Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia Lê Thanh Hải cho biết, hiện nay, Việt Nam đã trở thành nước có thu nhập trung bình. Dân số Việt Nam khá đông, hơn 96 triệu người, lực lượng lao động trẻ. Bên cạnh đó, các ngành các cấp đang trong quá trình chuyển đổi số. Hiện nay, internet đã bao phủ hầu khắp các tỉnh, thành trên cả nước. Tiêu dùng nội địa đang ngày càng đóng góp nhiều trong tăng trưởng GDP. Những yếu tố đó đã thúc đẩy phương thức trao đổi hàng hóa qua thương mại điện tử.

Chánh Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia Lê Thanh Hải phát biểu khai mạc tại hội nghị.

Tương tự các phương thức trao đổi thương mại khác như chợ truyền thống, siêu thị… các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả qua thương mại điện tử ngày càng tinh vi, phức tạp.

Để chủ động phát hiện, đấu tranh ngăn chặn các hành vi vi phạm, góp phần làm trong sạch môi trường kinh doanh, tạo điều kiện cho thương mại phát triển bền vững, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đã ban hành Kế hoạch số 399/KH-BCĐ389 ngày 10/10/2020 của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong hoạt động thương mại điện tử (gọi tắt là Kế hoạch số 399), Ban chỉ đạo 389 các địa phương cũng đã ban hành các kế hoạch triển khai nội dung nêu trên và dần thực hiện.

Tại Hội thảo, Ông Nguyễn Hữu Tuấn – Trưởng phòng Phòng Quản lý hoạt động thương mại điện tử, Cục Thương mại điện tử và kinh tế số, Bộ Công thương đã có giới thiệu tổng quan tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong hoạt động thương mại điện tử và đưa ra một số hành vi vi phạm chủ yếu trong hoạt động thương mại điện tử đã được cơ quan chức năng nhận diện và cơ bản đều đã có chế tài xử lý. Phân tích mô hình hoạt động thương mại điện tử quy định tại Nghị định 52/2013/NĐ-CP và Thông tư số 47/2014/TT-BCT; Tình hình thực thi, kiểm tra, xử lý vi phạm và Giới thiệu các chế tài mới bổ sung trong Nghị định 98/2020/NĐ-CP.

Hình ảnh tại hội nghị

Ông Đặng Công Thành, Phó Chánh Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Phó Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan về tham luận về thương mại điện tử xuyên biên giới. Theo đó, đối với các vi phạm trong hoạt động thương mại điện tử, cơ quan hải quan đang áp dụng các quy định hiện hành về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan. Để hoàn thiện hơn, Chính phủ đã giao Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) xây dựng Nghị định đáp ứng hai yêu cầu vừa tạo thuận lợi vừa đảm bảo quản lý, kiểm soát.

Đến nay, Bộ Tài chính cũng đã hoàn thiện và xin ý kiến hai lần đối với dự thảo Nghị định quản lý hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử với những nội dung đề xuất cụ thể về thủ tục hải quan, chính sách mặt hàng, chính sách thuế cũng như những ưu đãi hết sức cụ thể.

Diễn giả đến từ Thanh Tra Bộ Thông tin và Truyền thông đã phân tích về một số hành vi vi phạm trong lĩnh vực thông tin và truyền thông liên quan tới hoạt động thương mại điện tử; diễn giả tới từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã đưa ra nhận diện hành vi, phương thức thủ đoạn vi phạm trong thanh toán điện tử; diễn giả từ Vụ Thanh tra Kiểm tra Thuế-Tổng cục Thuế đã đưa ra kết quả cũng như các công tác triển khai trong thời gian tới về công tác quản lý thuế với hoạt động thương mại điện tử; diễn giả đến từ Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao- Bộ Công an đã đưa ra thông tin, tài liệu chứng cứ về các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động buôn lậu hàng giả và gian lận thương mại trên không gian mạng…

Tại hội nghị, đại diện các đơn vị cũng cho rằng, thương mại điện tử là xu hướng phát triển tất yếu, ngày càng tăng trưởng mạnh mẽ trên toàn thế giới. Bên cạnh sự phát triển đó, các cơ quan chức năng cũng nhận thấy có nguy cơ đối tượng lợi dụng để gian lận. Bởi vậy, việc hoàn thiện các quy định về thủ tục kiểm tra, chính sách mặt hàng, chính sách thuế là cần thiết để tăng cường hoạt động quản lý nhà nước đối với lĩnh vực thương mại điện tử trong thời gian tới.

Các đầu cầu tại hội nghị tập huấn.

Việc phát triển thương mại điện tử đồng nghĩa với việc kiểm soát thị trường sẽ gặp nhiều bất lợi vì đa số các gian hàng trên mạng là gian hàng ảo có địa chỉ ma, số điện thoại không rõ ràng, dịch vụ bưu chính vẫn chưa có chế tài chặt chẽ. Bên cạnh đó, vi phạm kinh doanh trên môi trường mạng gây ảnh hưởng hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu hàng hóa, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, xâm phạm trật tự an toàn xã hội.

Thời gian tới, để đảm bảo hiệu quả trong công tác thu thập thông tin, tài liệu và phối hợp điều tra xử lý, các lực lượng trong Ban chỉ đạo 389 các tỉnh cần có sự sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị được giao nhiệm vụ, xây dựng kế hoạch cụ thể chi tiết, phân công rõ vai trò trách nhiệm của từng lực lượng tham gia công tác điều tra xử lý. Đặc biệt, công tác tập huấn, hướng dẫn cho các lực lượng trong BCĐ 389 các tỉnh. Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia sẽ là đầu mối để tiếp nhận những khó khăn, vướng mắc và sẽ có những hỗ trợ, giải đáp cho các địa phương trong việc thực hiện chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong hoạt động thương mại điện tử.