Tập huấn về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong TMĐT tại Đắk Lắk

Ngày 20/4, tại thành phố Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk, Cục TMĐT và KTS phối hợp với Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia tổ chức Hội nghị tập huấn về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong hoạt động thương mại điện tử cho lực lượng chức năng thuộc Ban chỉ đạo 389 các tỉnh Tây Nguyên và tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên.

Tại hội nghị, gần 200 đại biểu đến từ các lực lượng Quản lý thị trường, Công an, Bộ đội biên phòng, Thuế, Hải Quan, Sở Công Thương, Sở Thông tin truyền thông, Thanh tra… Các chuyên gia đã trình bày 6 chuyên đề trọng tâm, gắn liền với việc triển khai, thực hiện Đề án về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử đến năm 2025 và Kế hoạch số 399 ngày 10/10/2020 của BCĐ 389 quốc gia về tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trong hoạt động thương mại điện tử. Trong đó tập trung các nội dung về nhận diện phương thức, thủ đoạn và một số giải pháp chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong hoạt động thương mại điện tử; thu thập thông tin, tài liệu, chứng cứ về hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên không gian mạng; xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thông tin truyền thông và kinh doanh hàng giả, hàng cấm qua đường bưu chính và Internet; vi phạm sở hữu trí tuệ trên nền tảng thương mại điện tử; các quy định pháp lý về thu thuế trong TMĐT, các hành vi vi phạm phổ biến về thuế và giải pháp về chống thất thu thuế trong thương mại điện tử.

Ông Đặng Văn Dũng, Phó Chánh văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia phát biểu khai mạc hội nghị.

Phát biểu tại hội nghị, ông Đặng Văn Dũng, Phó Chánh văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia cho biết: Trong những năm đầu của thế kỉ 21, với sự phát triển của công nghệ nói chung và cách mạng công nghiệp 4.0 nói riêng đã làm thay đổi phương thức kinh doanh và thói quen tiêu dùng truyền thống. Mô hình kinh doanh dựa trên nên tảng công nghệ xuất hiện đã kết nối những người tham gia giao dịch trên các nền tảng thương mại điện tử. Mô hình này thậm chí đã trở thành một “ngành kinh tế” mới, đóng góp quan trọng vào sự phát triển của nền kinh tế nói chung.

Theo Sách trắng về TMĐT của Bộ Công Thương năm 2022, Tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa trong TMĐT của Việt Nam năm 2021 đạt 13,7 tỉ USD. Dự báo năm 2022 Tổng doanh thu bán lẻ trực tuyến ước đạt trên 16,4 tỉ USD và dự báo đến năm 2025 là trên 38 tỉ USD, kéo theo dịch vụ hậu cần, chuyển phát, thanh toán, v.v... phát triển mạnh.

  

Ông Nguyễn Hữu Tuấn – Trưởng phòng Quản lý hoạt động thương mại điện tử
 Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - Bộ Công Thương

Ông Nguyễn Hữu Tuấn, Trưởng phòng Quản lý hoạt động thương mại điện tử - Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã trình bày và trao đổi về pháp luật về TMĐT. Trong đó tập trung phân tích mô hình hoạt động thương mại điện tử quy định tại Nghị định 52/2013/NĐ-CP và Thông tư số 47/2014/TT-BCT; cập nhật điểm mới của Nghị định số 85/2021/NĐ-CP và các khái niệm cơ bản, các nền tảng Mạng xã hội và pháp luật điều chình liên quan tới hoạt động TMĐT trên các nền tảng mạng xã hội; xử phạt vi phạm hành chính trong thương mại điện tử; vấn đề quản lý đối với mặt hàng kinh doanh có điều kiện, hạn chế kinh doanh như thuốc lá, thuốc lá thế hệ mới, rượu/bia... trên môi trường internet.

Chia sẻ về những khó khăn, thách thức đặt ra đối với lĩnh vực thương mại điện tử, Ông Nguyễn Hữu Tuấn cho biết, sự phát triển của thương mại điện tử cũng kéo theo tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ vẫn được bày bán có phần công khai trên mạng Internet, trên các nền tảng giao dịch trực tuyến, trở thành vấn đề nhức nhối của xã hội, ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng, môi trường đầu tư kinh doanh, gây thất thu ngân sách nhà nước.

Thực trạng trên do nhiều nguyên nhân, như: phương thức thủ đoạn ngày càng tinh vi; một số cơ quan, lực lượng chức năng chưa thực sự vào cuộc, công tác phối hợp, chia sẻ thông tin chưa kịp thời, chưa hiệu quả; hệ thống pháp luật chưa điều chỉnh, hoàn thiện kịp so với yêu cầu thực tế nên hiệu quả đấu tranh còn hạn chế. nguồn lực con người, cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện phục vụ công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong thương mại điện tử chưa đáp ứng được yêu cầu triển khai nhiệm vụ trong tình hình mới, nhận thức, ý thức tuân thủ pháp luật của tổ chức, cá nhân kinh doanh và người tiêu dùng còn hạn chế.

 

Các đại biểu tham dự tập huấn

Đại biểu tìm hiểu cách thức nhận biết hàng thật và hàng giả của nhãn hàng Honda, Adidas, Nike... tại hội nghị

Theo ông Đặng Văn Dũng, để phần nào khắc phục những hạn chế trên, trong khuôn khổ nội dung tập huấn các chuyên gia sẽ trình bày những chuyên đề trọng tâm, gắn liền với việc triển khai, thực hiện Đề án về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử, đồng thời giải đáp những khó khăn, vướng mắt của học viên trong quá trình thi hành công vụ nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong hoạt động thương mại điện tử cũng như bảo vệ người tiêu dùng.