Hội thảo khoa học quốc gia "Giải pháp phát triển kinh tế số và thương mại điện tử bền vững cho Việt Nam"

Sáng ngày 9/12/2022, Khoa Hệ thống thông tin kinh tế và Thương mại điện tử - Trường Đại học Thương mại phối hợp với Cục TMĐT và Kinh tế số - Bộ Công Thương đồng tổ chức Hội thảo khoa học Quốc gia: “Giải pháp phát triển kinh tế số và thương mại điện tử bền vững cho Việt Nam”. Tại hội thảo vấn đề hàng giả, hàng nhái; cũng như chống thất thu thuế được các học giả quan tâm và thảo luận sôi nổi.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số Lại Việt Anh nhấn mạnh: Vấn đề xây dựng nền kinh tế số được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm. Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đặt mục tiêu đến năm 2025, kinh tế số Việt Nam sẽ chiếm khoảng 20% GDP. Tháng 3/2022, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Nhiệm vụ phát triển kinh tế số và xã hội số được đặt ở mức ưu tiên cao trong các chiến lược phát triển quốc gia. Đây là thời cơ mà Việt Nam cần nhanh chóng nắm bắt, hành động mạnh mẽ để phát triển kinh tế số và xã hội số, phát triển thêm các ngành nghề kinh doanh mới, mở ra các thị trường mới và tạo thêm nhiều nhu cầu việc làm mới, từ đó bứt phá vươn lên thay đổi thứ hạng quốc gia.

Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số Lại Việt Anh cho hay, trong những năm qua, nền kinh tế số của Việt Nam đã có sự phát triển nhanh chóng và giữ vai trò ngày càng quan trọng trong quá trình tăng năng suất, đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, tối ưu hóa nền kinh tế để tăng trưởng, phát triển bền vững. Đặc biệt, diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 càng khẳng định được vai trò của nền kinh tế số trong quá trình này. Tuy nhiên, hiện kinh tế số cũng như lĩnh vực thương mại điện tử (TMĐT) vẫn đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức mang tính thời đại.

Bà Lại Việt Anh – Phó Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công Thương)

Cũng tại hội thảo, vấn đề hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng trên sàn thương mại điện tử được nhiều học giả quan tâm và coi là một trong những vấn đề cốt lõi phát triển TMĐT bền vững. Ông Nguyễn Hữu Tuấn, Trưởng phòng Quản lý hoạt động TMĐT (Cục TMĐT và Kinh tế số) nhấn mạnh các hành vi bán hàng dạng này trên sàn TMĐT ngày càng tinh vi và phổ biến. Nhiều gian hàng bán hàng giả, hàng nhái bằng cách tổ chức các đợt sale lớn, tạo ra hàng chục gian hàng khác nhau. Thậm chí khi bị gỡ gian hàng thì tạo ra các cách thức lách bộ lọc, từ khóa.

Ông Nguyễn Hữu Tuấn, Trưởng phòng Quản lý hoạt động TMĐT (Cục TMĐT và Kinh tế số)

Có những sàn TMĐT như Sendo hay Tiki dùng AI để lọc các hình ảnh nhái thương hiệu, người vi phạm lập tức dùng cách che mờ cả hình ảnh và logo trên ảnh hàng hóa đi để tránh bộ lọc. "Tình trạng hình ảnh là thật, nhưng người mua thì mua phải hàng giả ngày càng phổ biến", ông Tuấn nói.

Ngoài ra, các phương thức thủ đoạn được nhiều người áp dụng tinh vi như: Không có kho hàng, bán hàng qua trung gian kiếm lời, phân tán kho hàng, đăng rất nhiều hàng nhưng không có hàng, giao hàng lẻ tẻ... Nhiều kho hàng được lập trong các khu chung cư, nơi cơ quan quản lý thị trường không có thẩm quyền khám xét, mà chỉ có chủ tịch UBND cấp huyện trở lên mới có thẩm quyền. "Nhiều gian hàng, fanpage tạo ra rất nhanh nhưng cũng xóa rất nhanh. Nhiều người biết hàng giả, hàng nhái giá rẻ nhưng vẫn mua, không lên tiếng", Trưởng phòng Quản lý hoạt động TMĐT chia sẻ thêm.

Về giải pháp, ông Tuấn cho rằng các cơ sở pháp lý đã được hoàn thiện trong Nghị định 85, đặc biệt là hỗ trợ công tác đấu tranh, nâng cao trách nhiệm chủ sàn, yêu cầu minh bạch hóa hoạt động bán hàng. Cơ quan quản lý yêu cầu đăng tải minh bạch thông tin sản phẩm, nhãn sản phẩm. Ông cũng nhấn mạnh chủ thể quyền (đơn vị sở hữu sản phẩm) phải có giải pháp bảo vệ sản phẩm của chính mình như dán tem truy xuất nguồn gốc. Chủ sàn phải phối hợp chủ thể quyền và cơ quan chức năng để giảm hàng giả, hàng nhái. Người tiêu dùng cũng phải thông minh khi mua sắm.

Các đại biểu, khách mời chúp hình lưu niệm tại buổi Hội thảo

Tại hội thảo, các đại biểu, nhà nghiên cứu, giảng viên, doanh nghiệp cũng như các nhà quản lý đã tìm được những hướng nghiên cứu mới, giải pháp phù hợp cho tổ chức của mình, đồng thời thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế số và TMĐT Việt Nam lên một tầm cao mới trong khu vực và trên thế giới như: Chia sẻ về Chuyển đổi chiến lược môi trường công nghệ số để phát triển kinh tế số; Phát triển ngân hàng số tại Việt Nam trong thời đại 4.0; Xu thế chuyển đổi số tại Việt Nam; Một số cơ hội và thách thức đối với doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực TMĐT tại Việt Nam.

Chia sẻ về thực trạng và giải pháp tránh thất thu thuế TMĐT tại Việt Nam; Tăng cường môi trường pháp lý của TMĐT tại Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế: Tính ứng dụng và hạn chế rủi ro trên thực tiễn; Chính sách pháp luật về quản lý kinh doanh xăng dầu ứng dụng công nghệ trong nền kinh tế số; vấn đề đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế số và TMĐT; Giải pháp phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam…

Theo các đại biểu, thị trường TMĐT Việt Nam có nhiều tiềm năng để tăng trưởng mạnh mẽ, tiến tới tiếp cận, hòa nhập với thị trường khu vực và toàn cầu. Trong thời gian tới, sự cạnh tranh trong thị trường TMĐT Việt Nam cũng ngày càng trở nên khốc liệt hơn. Điều này có nghĩa là các doanh nghiệp TMĐT Việt Nam đang và sẽ phải chịu sự cạnh tranh đến từ các doanh nghiệp khác nhau không chỉ trong nước mà còn là những doanh nghiệp TMĐT nước ngoài ở khu vực và trên thế giới. Vì vậy, để thị trường TMĐT Việt Nam có thể phát triển một cách bền vững, tương xứng với các kỳ vọng và dự báo của nhiều tổ chức nghiên cứu thị trường có uy tín trên thế giới, đúng với định hướng của Chính phủ, việc xác định các xu hướng phát triển và các thách thức của thị trường TMĐT Việt Nam trong thời gian tới là điều vô cùng cần thiết.

Quá trình phát triển TMĐT Việt Nam bền vững đòi hỏi việc thực hiện các giải pháp một cách đồng bộ từ nhiều phía, bao gồm: Chính phủ, các doanh nghiệp TMĐT Việt Nam, các cơ sở giáo dục đào tạo Đại học, người tiêu dùng. Trong đó, trách nhiệm tạo lập môi trường, hành lang pháp lý và các chính sách, chế tài thúc đẩy hoạt động TMĐT thuộc về Chính phủ. Đối với các doanh nghiệp TMĐT Việt Nam, cần duy trì tính cạnh tranh và không ngừng cải tiến, đặc biệt là thực hành tốt đạo đức kinh doanh để xây dựng uy tín, sự tin tưởng và lòng trung thành của khách hàng trực tuyến và mang lại trải nghiệm mua sắm tốt hơn cho khách hàng của họ. Đối với các cơ sở giáo dục đại học, phải tích cực thường xuyên cập nhật, chỉnh sửa, bổ sung chương trình đào tạo, nâng cao tỷ lệ thực hành trong các học phần, gắn lý thuyết với thực hành thông qua kết hợp với các doanh nghiệp trong quá trình đào tạo. Đối với người tiêu dùng cần phải nhận thức rõ hơn vai trò, vị trí của mình trong thực thi các giao dịch TMĐT để có ý thức, thái độ đúng đắn với sự phát triển bền vững của thị trường TMĐT Việt Nam.