Tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ QLNN và xử lý vi phạm trong TMĐT tại các địa phương

Vừa qua, Cục TMĐT và KTS chủ trì và phối hợp với Trường đào tạo cán bộ Công thương trung ương, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, Trung tâm Internet Việt Nam, Sở Công Thương và Cục QLTT các địa phương như Hà Nội, Đà Nẵng, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Vũng Tàu, Thái Bình, Bắc Giang tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý nhà nước và thực thi pháp luật, xử lý vi phạm về thương mại điện tử trên các địa bàn, với trên 1200 cán bộ tham dự.

Tham dự Hội nghị tập huấn có đại diện lãnh đạo các Sở ban ngành của các Địa phương, các Cục quản lý thị trường và thành viên Ban Chỉ đạo 389 tỉnh và đặc biệt là sự có mặt của hơn 450 doanh nghiệp địa phương tại các tỉnh thành phố Tp. Hà  Nội, Đà Nẵng, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Vũng Tàu, Thái Bình, Bắc Giang.

Đại diện Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) cũng tham dự và trình bày nội dung Tổng quan và thực trạng phát triển thương mại điện tử Việt Nam và cập nhật một số xu hướng phát triển TMĐT sau đại dịch COVID-19; Chuyển đổi số và xây dựng chiến lược marketing trực tuyến. Theo báo cáo của đại diện Vecom:  TMĐT ở Việt Nam đang bước vào thời kỳ phát triển mạnh mẽ, nhất là khoảng những năm gần đây, thuộc top tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Trong báo cáo e-Conomy SEA 2021 từ Google, Temasek và Bain & Company vừa công bố, năm 2021 nền kinh tế kỹ thuật số của Việt Nam dự kiến tăng trưởng 31% lên 21 tỷ đô la Mỹ nhờ sự tăng trưởng 53% của thương mại điện tử so với cùng kỳ và dự báo tiếp tục đạt 57 tỷ đô la Mỹ vào năm 2025. Từ khi bắt đầu đại dịch đến nửa đầu năm 2022, Việt Nam đã có thêm 8 triệu người tiêu dùng kỹ thuật số mới với 55% đến từ các khu vực không phải thành phố lớn. 99% người tiêu dùng kỹ thuật số Việt Nam có ý định tiếp tục sử dụng các dịch vụ trực tuyến trong tương lai cho thấy mức độ gắn bó rất cao với các dịch vụ, sản phẩm kỹ thuật số của người dùng Việt Nam. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 đã có những tác động sâu sắc làm thay đổi cả thói quen lẫn hành vi tiêu dùng đối với hoạt động mua sắm trực tuyến. Đồng thời tạo ra những xu hướng mới trong TMĐT tại Việt Nam.

Bên cạnh những lợi ích cho người tiêu dùng khi mua sắm trực tuyến, còn nhiều vấn đề và thách thức đặt ra đối với cơ quan quản lý nhà nước về TMĐT từ trung ương đến địa phương cũng như vấn nạn hàng giả, hàng nhái trên môi trường thương mại điện tử diễn ra hết sức phức tạp. Để nâng cao năng lực thực thi pháp luật về TMĐT và đẩy mạnh công tác đấu tranh chống hàng giả trong TMĐT, Ông Nguyễn Hữu Tuấn, Trưởng phòng Quản lý hoạt động thương mại điện tử đại diện Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) đã trình bày một số vấn đề như:

- Vấn đề quản lý nhà nước về TMĐT và các thách thức đặt ra đối với công tác quản lý nhà nước; Cập nhật điểm mới 85/2021/NĐ-CP và các chế tài xử phạt hành chính quy định tại Nghị định 17/2022/NĐ-CP và Nghị định 98/2020/NĐ-CP; Quy trình đăng ký, thông báo website thương mại điện tử.

- Quy trình kiểm tra, xử lý vi phạm trong và tình hình thực thi pháp luật trong thương mại điện tử và giải đáp các vướng mắc thường gặp trong quá trình kiểm tra xử lý vi phạm, các bài học kinh nghiệm và các bước tiến hành lập và ban hành kế hoạch thanh tra, kiểm tra. Đây là các vấn đề cấp bách phải triển khai công tác tập huấn, nâng cao năng lực các cán bộ QLTT thông qua các chuyên đề mới, các phương thức xử lý trong công tác chuyên môn như: các mô hình kinh doanh mới trong thương mại điện tử, các vấn đề thời sự về thực thi quyền sở hữu trí tuệ, các kỹ năng liên quan đến kiểm tra, xác minh, thu thập chứng cứ và xử lý vi phạm trong kinh doanh trên nền tảng số.

Bên cạnh đó, Trung tâm Internet Việt Nam - Bộ Thông tin và truyền thông (VNNIC) cũng tập trung giới thiệu một số vấn đề về xây dựng và bảo vệ thương hiệu trực tuyến thông qua tên miền. 

Các buổi tập huấn đã nhận được sự hưởng ứng tham gia nghiêm túc, nhiệt tình của các học viên thông qua việc góp ý, trao đổi thông tin và kinh nghiệm để góp phần thúc đẩy phát triển TMĐT trên địa bàn của các tỉnh theo hướng lành mạnh và tuân thủ các quy định pháp luật./.